Bài viết ngày:
31-10-2012 | 00:00
Thú chơi kiên nhẫn
Theo từ điển Wikipedia, đồ si đa (nhiều nơi gọi là đồ xi hay đồ second
hand) là tên gọi chỉ những thùng quần áo cũ được một tổ chức nhân đạo
của Thụy Điển (tên Sida) mang viện trợ cho Việt Nam vào thập niên 80
— 90. Ngày nay, tuy hàng viện trợ không còn nhưng danh từ “Sida”
(đọc trại là “si đa”) đã trở nên phổ biến để chỉ những món đồ đã qua
sử dụng nhưng vẫn còn dùng được và mua đi bán lại với giá rẻ.
Để chơi hàng si đa thì đức tính cần và đủ đối với dân mua sắm chỉ
vọn vẹn ở từ “kiên nhẫn”. Thật vậy, để tìm một chiếc áo đẹp — độc — rẻ
giữa rừng si đa là cả một quá trình tuyển chọn công phu và lắm gian
nan. Thế nhưng, cảm giác “đào bới” để tìm một món hàng ưng ý (mà vẫn
không bị người bán trách móc) với giá hời (trả giá thoải mái) cũng đủ
để cho người mua vui vẻ vào cuộc.
Thêm vào đó, hầu hết người săn hàng si đa không bị mang tâm lý “mặc
cảm” như mua hàng xôn, hàng sale off, (mặc dù phần lớn si đa có giá
rẻ đến bất ngờ) vì với dân chuyên trị đồ si đa ngày nay thì sự độc đáo
vẫn là ưu tiên hàng đầu. Không ít khách hàng mua đồ si đa đi chung với
bạn bè, hoặc người thân để tư vấn cho nhau, hoặc vui vẻ cho biết
(thậm chí tự khoe) về nguồn gốc quần áo của mình để nhận lời trầm trồ
từ phía đối diện. Thú chơi hàng si đa vẫn có sức hấp dẫn, không chỉ
là vì giá rẻ.
Si đa thời nay
Tại TP.HCM, đa số đồ si đa tập trung theo khu vực, nổi cộm có khu
vực gần chợ Bà Chiểu, khu tam giác Bà Huyện Thanh Quan — Trương Định —
Nguyễn Đình Chiểu, khu vực gần chợ Tân Định, chợ Tân Bình, đường
Nguyễn Trãi Q.5, Hồ Văn Huê Q.Phú Nhuận… Không chỉ là quần áo, đồ si
đa còn có đầy đủ phụ kiện như giày dép, túi xách, mắt kính, dây lưng,
nón kết… Quan niệm đồ si đa giá rẻ cũng không còn như trước. Chúng đều
được phân loại từ trên xuống dưới theo độ mới, theo hiệu, lẫn độ độc —
đẹp để “nhìn mặt đặt tên” với người mua hàng.
Do đó, không ít món hàng tuy mang tiếng “second hand” nhưng giá không
thua gì hàng mới, thậm chí hơn (nếu chúng có hiệu và hiệu được liệt
vào nhóm phổ biến tại VN) và dĩ nhiên đáng tiền khiến nhiều người tiếc
rẻ hoặc sẵn sàng móc hầu bao. Đồ si đa cao cấp thường tập trung ở
khu vực trung tâm thành phố và tuyển hàng liên tục để đáp ứng nhu cầu.
Cũng chính vì “có giá” mà nhiều cửa hàng độn hàng khác để bán xen kẽ.
Hàng độn thường là hàng chợ sản xuất trong nước hoặc hàng xuất khẩu
bị lỗi nên giá thành cũng hấp dẫn không kém. Để mua đúng hàng si đa tức
hàng cũ nhập về từ nước ngoài - đòi hỏi người mua phải có kinh
nghiệm "trận mạc" và may mắn, vì không phải lúc nào cũng vớ được đồ Mỹ
- thứ hàng si đa được xem là có giá nhất hiện nay.
Vui buồn cùng người trong cuộc
Quỳnh “già” nhân viên văn phòng - là một trong những fan ruột của đồ
si đa. Mức lương cao, cả gia đình định cư tại nước ngoài vẫn không
làm giảm niềm yêu thích của cô nàng đối với thú chơi lắm gian nan này.
Mỗi khi rảnh rỗi, Quỳnh “già” rủ hội bạn độc thân của mình săn hàng
si đa tại khu Bà Chiểu, và thường giới thiệu nguồn gốc chiếc áo hoặc
quần xinh xắn vừa vớ được với niềm sung sướng long lanh.
Kim Hiền — một diễn viên khá nổi — cũng không ngại ngùng khi cho mọi
người biết về sở thích của cô, đó là săn hàng si đa. Với Hiền, việc
tìm kiếm đồ độc ở những gian hàng này đã trở thành một phần cuộc sống
của cô. Điều đó cho thấy, đồ si đa không chỉ hấp dẫn đối với người có
thu nhập thấp. Có cả diễn đàn trên mạng là nơi giao lưu của tín đồ
hàng si đa, ở đó các topic thay nhau trao đổi tin tức và chỉ dẫn nhau
mẹo mua hàng.
Các bạn sinh viên khoa Văn — ĐHKHXH&NV — còn truyền nhau hai câu
chuyện ly kì về đồ si đa. Câu chuyện thứ nhất là niềm may mắn của L.
khi mua một chiếc quần jean second hand về còn sót tiền đô (USD) trong
túi. Điều này có thể xảy ra vì người bán không có thời gian lẫn sức
để làm việc dư hơi là “móc túi” hàng trăm thùng quần áo đổ về, trong
đó không ít từ các nước phát triển. Chuyện thứ hai bi kịch hơn, khi
bạn M. mua một chiếc áo thun màu tối về để rồi lật ra giặt vẫn còn
thấy dính trong “mạc” một ít máu khô. Đây là 2 câu chuyện truyền miệng
khá nổi trong đám sinh viên một thời, thế nhưng niềm đam mê về đồ si
đa vẫn chưa bao giờ mất lửa.
Kinh nghiệm :
Đồ si đa không dành cho người tay ngang. Phương châm của người bán
là “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Do đó, nếu bạn “lớ ngớ” rất dễ bị
“chém đẹp”. Nên lưu ý một số kinh nghiệm sau đây
- Nên mua đồ si đa với nhiều người, có thể là bạn bè hoặc người
thân. Số đông sẽ giúp bạn mạnh miệng trả giá hoặc cho lời tư vấn, điều
này khá cần thiết đối với mặt hàng thường chỉ mua bằng mắt chứ không
được thử.
- Đừng đi vào buổi chiều tối. Ánh đèn nê-ông không đủ để bạn phân
biệt hàng lỗi — nhất là những loại hàng đã qua sử dụng và không được
đổi trả.
- Chịu khó “đào bới”, lô hàng nào cũng có hàng tốt hàng xấu. Nhất
định bạn sẽ tìm được cái ưng ý nếu bạn có sức xóc đủ đám rừng ấy lên.
(Những mặt hàng đẹp sẽ được ưu tiên treo hoặc để ở vị trí dễ nhìn hơn,
tuy không mất công chọn lựa nhưng sẽ có giá cao đấy).
- Bí quyết trả giá : Đồ si đa vô giá. Thường thì dân đánh hàng si đa
theo kí hoặc theo thùng. Giá tiền do người bán nhìn mặt mà rao, vừa
mặt hàng vừa mặt khách. Ăn mặc sang trọng, lựa chọn kiêng khem cũng là
nguyên nhân khiến người bán “chém đẹp”. Hãy trả giá theo cảm nhận về
món hàng, chỉ bằng ½ hoặc 1/3 giá cũng không sao, được giá nhất định
họ sẽ cho nó ra đi.
- Phân biệt hàng si đa thật và si đa lên đời : cái mới của hàng si
đa loại 1 khác với cái mới của hàng độn . Hãy nhìn cái “mạc” (tags),
hàng chợ giá rẻ dù lem luốc một tí nhưng “mác” vẫn mới tinh (vì chưa
xuống nước lần nào, chất liệu vải “mạc” khá kém). Trong khi đó, hàng
si đa chất lượng thì “mạc” rõ ràng và đẹp hơn, chữ hơi nhạt đi vì giặt
nhiều lần, chất liệu vải may “mạc” tốt.